Sáng 26.10,ảiphóngmặtbằngcaotốcBiênHòfcb8 Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Nguyễn Hồng Lĩnh có buổi gặp gỡ, đối thoại với các hộ dân thuộc diện di dời của dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu.
Bà Rịa - Vũng Tàu giải phóng mặt bằng 90%, Đồng Nai mới được một ít
Theo Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai, QL51 là tuyến giao thông huyết mạch kết nối Đồng Nai với Bà Rịa - Vũng Tàu, mặc dù đã 2 lần mở rộng (hiện mỗi bên có 4 làn xe) nhưng hiện nay đã quá tải, ảnh hưởng đến hoạt động vận tải, du lịch.
"Tới đây khi sân bay Long Thành đi vào hoạt động, lượng phương tiện đổ về nhiều thì QL51 không thể gánh nổi nên cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu được triển khai với sứ mệnh san sẻ gánh nặng với tuyến quốc lộ này, giúp kết nối sân bay Long Thành, cảng Cái Mép - Thị Vải…", ông Lĩnh nhấn mạnh.
Cũng theo ông Lĩnh, sau khi dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu đã khởi công (ngày 18.6.2023 - PV), thì phía Bà Rịa - Vũng Tàu đã giải phóng mặt bằng đạt 90%, còn Đồng Nai chỉ mới được một ít, điều này ảnh hưởng đến tiến độ dự án.
Vì vậy, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai muốn thông qua buổi đối thoại để nắm bắt được tâm tư nguyện vọng của người dân, qua đó kịp thời xử lý, đáp ứng những nguyện vọng chính đáng, phù hợp với quy định của người dân. Và mong muốn bà con nhân dân đồng thuận với chủ trương, sớm bàn giao mặt bằng phục vụ thi công cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu.
Chính sách rõ ràng, thông tin minh bạch, thực thi nghiêm túc
Sau khi lắng nghe những ý kiến, phản ánh của người dân trong vùng dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, ông Nguyễn Hồng Lĩnh đã có những chỉ đạo cho Ban cán sự Đảng UBND tỉnh.
Cụ thể là phải tăng tốc việc kiểm đếm, chính xác và đúng pháp luật. Khi xây dựng khung giá để đền bù, hỗ trợ thì chọn khung tốt nhất. Kiểm đếm xong, có khung chính sách thì chi tiền cho người dân, đầu năm 2024 nhận tái định cư.
Đối với những thông tin liên quan đến dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, ông Nguyễn Hồng Lĩnh yêu cầu phải minh bạch để người dân nắm rõ. "Chính sách rõ ràng, thông tin minh bạch và thực thi nghiêm túc. Khi người dân có thắc mắc, khiếu nại phải lắng nghe rồi giải thích, giải đáp cho người dân", ông Lĩnh nói.
Ông cũng yêu cầu địa phương, ngành giáo dục quan tâm đến các em học sinh, phải sắp xếp cho các em được đi học thuận lợi khi tới nơi ở mới.
Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai cũng lưu ý phải tránh sai sót, ngăn chặn tiêu cực, trục lợi trong quá trình thực hiện giải phóng mặt bằng dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, nếu phát hiện phải xử lý ngay.
Tại buổi đối thoại, hầu hết ý kiến người dân đều quan tâm đến giá đền bù, hỗ trợ và việc cấp tái định cư. Đặc biệt là những hộ dân mua đất sổ chung; xây nhà trên đất nông nghiệp.
Về vấn đề đất sổ chung, ông Nguyễn Ngọc Thường, Phó giám đốc Sở TN-MT tỉnh Đồng Nai cho biết, theo quy định, chính quyền sẽ đền bù chung và những người đang đồng quyền sử dụng đất tự thỏa thuận chia phần tiền bồi thường.
Đối với xây nhà đất nông nghiệp, ông Nguyễn Hồng Quế, Phó giám đốc phụ trách Ban quản lý dự án bồi thường, giải phóng mặt bằng và hỗ trợ tái định cư tỉnh Đồng Nai cho biết, theo Quyết định 32 của UBND tỉnh Đồng Nai (ban hành tháng 8.2023), hộ gia đình, cá nhân bị thu hồi hết đất nông nghiệp mà có nhà ở xây dựng trước ngày 1.7.2014 và không bị xử phạt vi phạm hành chính, không còn chỗ ở nào khác trong địa bàn xã, phường, thị trấn nơi có đất bị thu hồi thì được bố trí tái định cư. Trường hợp chỉ thu hồi 1 phần đất nông nghiệp, mà diện tích còn lại không phù hợp quy hoạch hoặc không đủ điều kiện chuyển đổi thành đất ở thì được bố trí tái định cư.
Dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu có chiều dài 53,7 km, đi qua 2 tỉnh Đồng Nai (34,2 km) và Bà Rịa - Vũng Tàu (19,5 km). Giai đoạn 1 dự án cao tốc có 4 - 6 làn xe (tùy theo đoạn tuyến) với tổng vốn đầu tư 17.829 tỉ đồng.
Dự án được chia thành 3 dự án thành phần. Dự án thành phần 1 do tỉnh Đồng Nai làm chủ đầu tư, dự án thành phần 2 do Bộ GTVT làm chủ đầu tư, còn dự án thành phần 3 do tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu làm chủ đầu tư. Dự án giai đoạn 1 được khởi công vào tháng 6.2023, dự kiến đưa vào khai thác vào năm 2026.
Theo UBND tỉnh Đồng Nai, để thực hiện dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, địa phương phải thu hồi gần 290 ha đất tại 11 xã, phường với khoảng 3.700 hộ dân bị ảnh hưởng.